Quý vị có thể đã thừa hưởng nhiều hơn là chỉ đôi mắt của người mẹ và cằm của người cha. Một số rủi ro sức khỏe được truyền từ cha mẹ sang con cái và ảnh hưởng đến nhiều thành viên trong gia đình.
Huyết áp cao, tiểu đường và ung thư là những bệnh có xu hướng di truyền trong gia đình. Quý vị không thể thay đổi gen của mình, nhưng bệnh sử gia đình có thể giúp đưa ra hướng đi đến một tương lai khỏe mạnh hơn cho quý vị và con cái của quý vị.
Bắt đầu với những công cụ này để làm chủ sức khỏe của quý vị.
Bệnh sử gia đình là gì và tại sao lại quan trọng?
Bệnh sử gia đình là hồ sơ về các vấn đề sức khỏe xảy ra trong gia đình quý vị. Hồ sơ này bao gồm các chi tiết về các bệnh, nguyên nhân tử vong, các vấn đề về tiếp thu và phát triển, và các thói quen như sử dụng ma túy, rượu và thuốc lá.
Điều quan trọng là phải biết về các vấn đề sức khỏe gia đình để quý vị có thể làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn các vấn đề này. Có phải điều đó có nghĩa là nếu cha mẹ quý vị có vấn đề về sức khỏe, quý vị và con quý vị cũng sẽ gặp vấn đề này? Không nhất thiết là như vậy.
Có nhiều yếu tố góp phần vào nguy cơ của quý vị, bao gồm chế độ ăn uống, tập thể dục và môi trường của quý vị. Nhưng có vấn đề về sức khỏe gia đình có thể có nghĩa là quý vị có nguy cơ cao hơn so với những người không có bệnh sử gia đình về bệnh này.
Bệnh sử gia đình là một cách tốt để theo dõi các bệnh di truyền trong gia đình và có thể giúp quý vị:
- Đánh giá nguy cơ mắc bệnh
- Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ
- Phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng để quý vị có thể điều trị sớm
Tạo bệnh sử gia đình của quý vị
Ghi lại bệnh sử gia đình có thể giúp quý vị thấy những rủi ro cụ thể có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của quý vị và con quý vị. Được trang bị thông tin này, quý vị có thể thực hiện các bước ngay bây giờ để có sức khỏe tốt hơn. Đây là cách bắt đầu.
1. Nói chuyện với các thành viên trong gia đình
Để có bệnh sử gia đình hoàn chỉnh, quý vị cần thu thập thông tin sức khỏe về:
- Cha mẹ
- Ông bà
- Cô dì chú bác
- Anh chị em họ
- Anh chị em ruột
- Con cái
Các cuộc họp mặt hoặc đoàn tụ gia đình có thể là thời điểm tốt để thu thập thông tin. Nhưng điều quan trọng là phải suy nghĩ kỹ. Nói về các vấn đề sức khỏe có thể khiến một số thành viên trong gia đình cảm thấy không thoải mái. Tìm một nơi riêng tư để nói chuyện. Giải thích lý do tại sao quý vị muốn biết về sức khỏe của họ và việc này sẽ giúp quý vị và những người khác trong gia đình quý vị như thế nào.
Dưới đây là một số câu hỏi cần đặt ra:
- Bạn được sinh ra khi nào và tuổi của bạn hiện nay là bao nhiêu?
- Bạn có bất kỳ bệnh mãn tính nào không?
- Bạn đã từng bị những căn bệnh nghiêm trọng nào khác chưa?
- Bạn bao nhiêu tuổi khi lần đầu phát triển tình trạng hoặc bệnh đó?
- Có ai trong gia đình bị dị tật bẩm sinh không?
- Còn về các vấn đề tiếp thu hoặc phát triển, như hội chứng Down thì sao?
- Có thành viên nào trong gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần không?
- Các thành viên trong gia đình đã qua đời mắc bệnh gì?
- Họ bao nhiêu tuổi khi qua đời?
- Nguyên nhân tử vong là gì?
Đừng lo lắng nếu các thành viên trong gia đình không biết hoặc không thể nhớ lại một số thông tin. Quý vị có thể điền nốt thông tin thiếu này bằng một chút nghiên cứu.
2. Điền thông tin bị thiếu
Càng điền thêm nhiều thông tin bị trống, quý vị càng hiểu biết hơn về những rủi ro sức khỏe của mình. Nếu quý vị không thể có được thông tin sức khỏe đầy đủ cho mọi thành viên trong gia đình, hãy thử kiểm tra hồ sơ công khai hoặc báo chí.
Hồ sơ của tiểu bang và quận có thể bao gồm giấy chứng tử nêu rõ nguyên nhân tử vong. Thư viện tại địa phương cũng có thể lưu trữ các tờ báo cũ, ở đó quý vị có thể tìm thấy thông báo cáo phó. Quý vị cũng có thể tra cứu trực tuyến. Nếu một thành viên gia đình được nhận nuôi, hãy kiểm tra với cơ quan nhận con nuôi hoặc cơ quan y tế hoặc dịch vụ xã hội địa phương.
3. Duy trì cập nhật bệnh sử của quý vị
Viết ra những gì quý vị tìm thấy và thêm thông tin sức khỏe mới khi quý vị biết được thông tin này. Quý vị có thể giữ bệnh sử gia đình trong hồ sơ trên giấy hoặc trên máy tính, ở đó quý vị có thể dễ dàng chia sẻ và duy trì cập nhật.
4. Chia sẻ với bác sĩ của quý vị
Một khi quý vị đã tạo bệnh sử gia đình, hãy chia sẻ với bác sĩ của quý vị trong lần khám tiếp theo. Bác sĩ có thể giúp quý vị đánh giá rủi ro sức khỏe của quý vị và đảm bảo quý vị có được các xét nghiệm và sàng lọc phù hợp để phát hiện sớm các vấn đề. Bác sĩ cũng có thể đề nghị thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Tìm hiểu thêm về lập kế hoạch và phòng ngừa chăm sóc sức khỏe
Khoa học đơn giản về thăm khám phòng ngừa
Biết mạng lưới của quý vị để tiết kiệm tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc kê đơn
Quý vị và hãng bảo hiểm chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị như thế nào
5 lời khuyên bảo vệ dữ liệu sức khỏe cá nhân của quý vị tránh những kẻ lừa đảo
Lời khuyên chọn dịch vụ chăm sóc