Mọi người đều từng bị đau, nhưng có thể rất khó để mô tả cơn đau đó. Sau đây là một số công cụ giúp quý vị nhận biết loại cơn đau mà mình đang gặp phải và giải thích rõ về nó để quý vị có được sự chăm sóc và hỗ trợ phù hợp vào đúng thời điểm.
Đôi lúc, mọi người đã được hỏi câu hỏi quan trọng này: Quý vị sẽ mô tả cơn đau của mình như thế nào? Hoặc: Quý vị đánh giá thế nào về cơn đau của mình? Chúng là những câu hỏi đơn giản nhưng lại khá khó để trả lời. Mặc dù câu trả lời sẽ không quyết định toàn bộ quá trình chăm sóc của quý vị, nhưng chắc chắn đây là một công cụ hữu ích mà các bác sĩ sử dụng để hiểu rõ cơn đau đang xảy ra như thế nào và tìm cách giúp đỡ. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn giúp việc trả lời câu hỏi này trở nên dễ dàng hơn. Hiểu cơn đau và có thể mô tả nó chi tiết sẽ giúp ích cho cả hai bên.
Hiểu cơn đau
Điều đầu tiên: quý vị mắc loại đau nào? Có hai loại đau chính.
Đau cấp tính giải thích được
Đau là một trong những lý do phổ biến nhất mà mọi người đến gặp bác sĩ. Đau cấp tính là hệ thống báo động của cơ thể để gửi một thông báo rằng có điều gì đó không ổn với quý vị.
Cơn đau cấp tính có thể nhẹ và chỉ kéo dài trong chốc lát hoặc có thể dữ dội và kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Đau cấp tính có thể là do chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Cơn đau này có thể là đau như dao cắt, đau nhói, đau như bị đâm, đau như bị đập mạnh hay đau nhức nhối. Nó thường biến mất khi nguyên nhân gây ra cơn đau được khắc phục. Cơn đau cấp tính không thuyên giảm có thể trở thành cơn đau mãn tính.
Điều quan trọng là không được bỏ qua cơn đau cấp tính vì đây là lúc cơ thể nói với quý vị rằng phải dừng lại và để ý đến nguyên nhân gây ra cơn đau. Bỏ qua cơn đau có thể dẫn đến việc một người làm việc quá nhiều, quá nhanh và trước khi cơ thể của họ được chữa lành.
Hãy nhớ rằng: Đau được coi là một phần bình thường của quá trình chữa lành.
Đau là một cảm giác khó chịu. Nó có thể là một trải nghiệm về cảm xúc. Đau có thể do một số loại tình trạng y tế như bệnh tật hoặc chấn thương. Cách bạn cảm nhận và phản ứng với cơn đau phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau và một số yếu tố cá nhân khác, chẳng hạn như:
- Cấu tạo gen và mức độ nhạy cảm của cơ thể quý vị với cơn đau
- Thói quen ăn uống, tập thể dục, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Tiền sử các vấn đề sức khỏe
- Căng thẳng và lo âu
- Trải nghiệm với nỗi đau trong quá khứ
- Các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội khác như tôn giáo hoặc căng thẳng về tiền bạc
Đau mãn tính giải thích được
Đau mãn tính có thể xảy ra hàng ngày và tái diễn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Nó thường được mô tả là cơn đau kéo dài từ ba tháng trở lên. Cơn đau mãn tính có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể kéo dài liên tục hoặc đau từng cơn. Cơn đau này có thể âm ỉ, đau nhói, bỏng rát hoặc nhức nhối.
Mọi người có trải nghiệm khác nhau về cơn đau. Một chấn thương hoặc bệnh tật có thể cực kỳ đau đớn đối với một người, nhưng có thể chỉ gây đau nhẹ cho người khác.
Hiểu được nỗi đau và trải nghiệm cá nhân của bản thân là rất quan trọng. Hãy làm việc với bác sĩ của quý vị để phát triển kế hoạch giảm đau phù hợp với nhu cầu của quý vị.
Nói chuyện với bác sĩ của quý vị về cơn đau
Quý vị đã từng bị chấn thương hay quý vị đang chuẩn bị phẫu thuật? Sự phục hồi đối với mọi người sẽ khác nhau, nhưng hẳn sẽ có thể bị đau. Tìm hiểu về các lựa chọn giảm đau của quý vị bằng cách nói chuyện với bác sĩ.
Những câu hỏi mà quý vị có thể đặt ra:
- Tôi sẽ bị đau bao lâu sau khi chấn thương hoặc phẫu thuật?
- Có những lựa chọn nào để điều trị cơn đau của tôi?
- Bất kỳ lựa chọn điều trị nào trong số này có thể nào gây ra phản ứng xấu với các loại thuốc khác mà tôi dùng không?
Nếu quý vị và bác sĩ của quý vị quyết định rằng thuốc giảm đau opioid là lựa chọn điều trị tốt nhất, hãy hỏi những câu hỏi sau:
- Những rủi ro và tác dụng phụ của việc dùng thuốc opioid là gì?
- Có thuốc không kê đơn (như Advil®) mà tôi có thể dùng để thay thế không?
- Tôi nên dùng thuốc opioid trong bao nhiêu ngày?
- Nếu tôi cảm thấy đỡ hơn, tôi có thể ngừng dùng thuốc không?
- Tôi đang mang thai. Tôi có nên dùng thuốc giảm đau không?
Cơn đau của quý vị nên được kiểm soát đủ để quý vị có thể đi vào phòng tắm, ngồi trên ghế và ho. Quý vị không nên uống thuốc đến mức không thể nhớ được mọi thứ. Dưới đây là một số mẹo để giúp quý vị nói chuyện với bác sĩ về cảm giác của mình.
Yếu tố khởi phát, độ lâu và mức độ đau
Quý vị đau ở đâu?
Hãy mô tả cụ thể. Hãy cho bác sĩ biết đó không chỉ là đau ở "lưng" mà còn cụ thể là "thắt lưng và đôi khi là cả chân". Nếu cơn đau của quý vị chuyển sang chỗ khác, hãy cho bác sĩ biết tất cả các khu vực có thể bị đau và những khu vực thường xuyên bị đau nhất.
Tải xuống và in biểu đồ cơ thể để khoanh vùng chỗ đau của quý vị
Quý vị đang cảm thấy mình bị kiểu đau đớn nào?
Phần lớn thời gian, mọi người đều trải qua một hoặc hai "cảm giác" đau đớn. Đôi khi quý vị trải qua một loạt các cảm giác. Các loại đau phổ biến nhất là:
- Đau như bị dao đâm
- Cảm giác bỏng rát hay cực nóng
- Cực lạnh
- Nhạy cảm với sờ/chạm
- Tê, ngứa ran, đau như vọp bẻ
Quý vị có mức độ đau thế nào?
Mọi người đều cảm thấy đau khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải giải thích cho bác sĩ của quý vị về cảm giác đau của quý vị. Đôi khi một thang điểm đau, như thang điểm dưới đây, có thể giúp quý vị giải thích cường độ cơn đau của mình.
Quý vị bị đau trong bao lâu?
Cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết hơn thay vì chỉ nói rằng quý vị "luôn luôn" bị đau hoặc "thỉnh thoảng" bị đau. Hãy thử vài thứ như:
"Tôi luôn cảm thấy hơi đau nhức ở chỗ này, nhưng nó đau hơn vào sáng sớm và kéo dài khoảng một giờ."
Hãy nghĩ về cơn đau của quý vị và trả lời những câu hỏi sau:
- Quý vị có cảm thấy tồi tệ hơn khi thức dậy vào buổi sáng và bị đơ cứng hay cơn đau dường như trầm trọng hơn sau một ngày trôi qua?
- Quý vị có nhận thấy cơn đau buốt khi mặc quần áo vào buổi sáng và sẽ hết sau 10 phút không?
- Cơn đau kéo dài vài giờ hay đỡ hơn sau khi quý vị chợp mắt?
- Cơn đau có khiến quý vị không thể thực hiện các hoạt động bình thường hoặc những việc quý vị muốn làm không?
Có điều gì khác gây ra cơn đau của quý vị không?
- Suy nghĩ về cơn đau liên quan đến thời gian dùng thuốc: Cơn đau có trở nên nặng hơn hoặc đỡ hơn ngay sau khi quý vị sử dụng một số loại thuốc nhất định không hay nó dường như không liên quan đến thuốc?
- Cơn đau của quý vị có trở nên nặng hơn khi quý vị đang thực hiện một số hoạt động như lên xuống cầu thang, đi chợ, hút bụi, v.v. không?
- Quý vị có đau khi ai đó chạm vào cơ thể hay ôm mình không? Hay nó đột ngột xuất hiện?
- Có phải cơn đau trở nên nặng hơn khi căng thẳng không - ví dụ như khi quý vị xem hóa đơn?
- Quý vị có nhận thấy mối liên hệ giữa việc ở gần những người khác nhau và cảm giác đau trở nên tăng lên hay giảm đi không?
- Hãy nghĩ về những thời điểm khác khi cơn đau của quý vị có vẻ tăng lên hay giảm đi.
Hy vọng rằng những nhắc nhở này sẽ giúp quý vị suy nghĩ về cơn đau của mình trước khi nói chuyện với bác sĩ, và cuối cùng giúp quý vị mô tả cơn đau tốt hơn và nhận trợ giúp dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ nói chuyện với quý vị về các phương án điều trị đau.
Tìm bác sĩ
Tìm kiếm bác sĩ, bệnh viện và phòng khám.